Khu di tích Nhà lao Tân Hiệp hay còn gọi là “Trung tâm huấn chính” hoặc “Trung tâm cải huấn” tọa lạc trên Quốc lộ 1, phường Tân Tiến, Biên Hoà (Đồng Nai), là một trong sáu nhà tù lớn nhất miền Nam Việt Nam. Di tích như một chứng tích điển hình về tội ác của hai cuộc chiến tranh xâm lược của thực dân Pháp và đế quốc Mỹ cùng chính quyền tay sai đối với dân tộc Việt Nam ta.

Tại Khu di tích Nhà lao Tân Hiệp

Khu di tích Lịch sử Tượng đài Chiến thắng La Ngà là nơi ghi dấu lại Chiến thắng vang dội của quân và dân ta trong thời kỳ đầu kháng chiến chống thực dân Pháp. Chỉ trong vòng 45 phút chiến đấu từ 15h12’ đến 15h57’ ngày 01/3/1948 với sự dũng cảm, ngoan trường, mưu trí quân ta đã tiêu diệt đoàn xe quân sự Pháp gồm 59 chiếc, 150 tên địch (25 sĩ quan), trong đó có 2 đại tá: Đờxêrinhê – chỉ huy bán lữ đoàn lê dương thứ 13 và Patơruýt – phó tổng tham mưu trưởng thứ nhất của quân đội Pháp ở miền Nam Đông Dương, khống chế toàn bộ trục đường 20 chạy lên Đà Lạt trong gần một giờ đồng hồ. Thu được nhiều vũ khí, đạn dược, quân trang, quân dụng. Trận phục kích La Ngà đã gây nhiều tiếng vang lớn trong nước và dư luận nước Pháp.

Tại khu di tích Nhà lao Tân Hiệp và khu di tích Lịch sử Tượng đài Chiến thắng La Ngà, Đoàn đã dâng hương, dâng hoa bày tỏ lòng thành kính, thể hiện sự tri ân, tấm lòng biết ơn sâu sắc đối với những hy sinh to lớn của các anh hùng, liệt sĩ đã ngã xuống để bảo vệ độc lập, tự do của dân tộc.

Cùng ngày, đoàn đã tiếp tục thăm quan Thành cổ Biên Hòa (có nhiều tên gọi khác nhau qua các thời đoạn lịch sử như: thành Cựu, thành Kèn, thành Xăng Đá...) là thành cổ duy nhất còn sót lại ở Nam bộ;

Thăm quan khu di tích Trung tâm giáo huấn thiếu nhi Đà Lạt, được thành lập vào đầu năm 1971. Chế độ cũ dùng hình thức mị dân để đánh lừa công luận, che đậy âm mưu thâm độc nhằm cách ly, đàn áp, tiến tới thủ tiêu tinh thần cách mạng của thế hệ trẻ miền Nam. Với tính chất đặc biệt, nên không giống như các Trung tâm giáo huấn khác ở miền Nam thời bấy giờ, Trung tâm giáo huấn thiếu nhi Đà Lạt được tổ chức với quy mô lớn, trình độ tổ chức cao và đặt dưới sự chỉ huy trực tiếp của Tổng nha cảnh sát Sài Gòn. “Trung tâm” này thực chất chính là một nhà lao thiếu nhi, thể hiện đầy đủ bản chất của một nhà tù đế quốc. Nhà lao đặc biệt này đã từng giam giữ hơn 600 thiếu nhi từ 12 - 17 tuổi có tinh thần cách mạng, được tập trung từ tất cả các nhà tù ở miền Nam.

Thông qua chuyến đi, đoàn viên thanh niên của Chi đoàn Trung tâm Quản lý Hạ tầng giao thông đường bộ đã nâng cao được nhận thức, thấm nhuần hơn nữa lịch sử truyền thống cách mạng vẻ vang của Đảng, của dân tộc ta, thể hiện sự tri ân, tấm lòng biết ơn sâu sắc đối với những hy sinh to lớn của các anh hùng, liệt sỹ đã ngã xuống để bảo vệ độc lập, tự do của dân tộc. Qua đó, góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm cho các đoàn viên, thanh niên trong việc phát huy giá trị cốt lõi mà các thế hệ cha anh đã dày công vun đắp và xây dựng; phát huy vai trò của sức trẻ cống hiến nhiều hơn nữa trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn hiện nay.